Sunday, March 24, 2013

Nước mắt của biển

Làm một món cầu kỳ về Biển, nỗi nhớ và Schindler list. Nếu muốn món đơn giản, không cầu kỳ hoa lá hẹ, mời bạn thưởng thức bài Nỗi nhớ không tên số 1


Nó thích biển, hẳn là vậy rồi. Chẳng vậy mà một thằng con trai thành thị như nó, hễ có dịp nghỉ cuối tuần, lễ lộc gì là quẩy cái ba lô về với biển. Dịp lễ Tết nếu ba má nó mà không đe cấm cửa thì nó chắc cũng ngâm mình trong biển muối rồi. Đến nỗi hai ông bà cứ than phiền "con cái gì mà hễ rảnh cái là không thấy mặt mũi nó đâu." Rồi thấy nó khì khì cười trừ thì tiếp "mày sanh ra ở thành thị, làm dân văn phòng, mà người cứ đen nhẻm như bông cau thì làm sao đây con?"

Nó nghe xong là biết mòi ba má muốn nhắc cái gì rồi.

- Chứ ba má có thích con giống mấy đứa kia không, da trắng mặc trơn, ỏng ẹo như mấy thím không? Nói xong nó liền lém lỉnh chớp chớp mắt...
- Con với cái - Má nó vừa nói vừa lườm nó một cái.     
- Ba má nghe câu này rồi mà "cá không ăn muối cá ươn." Mà con thì quanh năm lặn ngụp trong biển muối thì làm sao mà ươn hè hè.

Nói chưa dứt câu nó đã lỉnh lên cái xe đạp vọt mất. Nó biết ở lại sẽ nghe cái điệp khúc Schindler list phần thứ n của má nó, "nè bây coi nhỏ này có được không?  Nhà giáo đó nhe, con nhà lễ nghĩa, nghề nghiệp cũng ổn định, cái mặt coi cũng hiền... Tổ cha bây, đứa nào cũng chê. Hay nhỏ này được không? Nhà gần đây nè, tiện qua lại, ba má nó cũng là người quen..."


Nó thích biển, nên cứ mỗi lần ghé một vùng biển nào là nó lại bơi lội đến khi mệt nhòai để mặc mấy đứa bạn tắm nắng, chơi với cát vì sợ lạnh. Nó thích biển nên mỗi lần gần biển là nó lại hít cái mùi biển đến căng lồng ngực, cảm nhận cái vị mằn mặn nơi đầu lưỡi và cảm giác rin rít toàn thân. Nó thích biển, nên thích kết bạn với dân biển, thích những cánh tay lực lưỡng, nước da đen sạm, ăn sóng nói gió, và nhậu thì bá chấy. Nó yêu biển nên yêu luôn những con gái xứ biển, da ngăm mặn mòi, mắt sâu màu biển đêm, miệng cười như sóng vỗ, mái tóc (rối) bồng bềnh bay như vó lưới cất lên. Lại còn cá tính nữa, quanh năm ăn cá mà không cá tính bự mới lạ.

Nên mỗi lần ba má nó nhắc đến nhỏ này nhỏ nọ là nó lại khì khì cho qua chuyện. Đúng ra có vài lần nó có cầm lên hỏi han vài câu cho má vui, sau khi không đánh hơi thấy mùi biển ở mấy nường là đâu lại vào đấy.
Cứ từ từ, để mai tính nhe má.

Biết bao cái từ từ, để mai tính, rồi nó qua tuổi băm không hay. Nếu không có chuyện nó thất nghiệp. Nếu nó không nổi hứng xách xe đạp đi xuyên Việt. Nếu không có chuyện trong một lúc ngẫu hứng đòi mở lớp dạy tiếng Anh cho mấy đứa nhỏ thì chắc nó cũng đã mần xong chuyến xuyên Việt ấp ủ lâu nay. Duyên may đã bắt nó về vùng biển sỏi 7 màu này. Nó yêu cái sự hiền lành chất phác của người dân ở đây. Mỗi lần về với má Sáu, thím Bảy, chú Ba, nó có cảm giác như được về nhà, cảm nhận yêu thương thân thuộc lại quay về. Để rồi tình cảm lớn dần lên qua bao mùa trăng như sóng biển ngày ngày len lỏi qua dãy đá ngầm tưới mát cho hạt nảy mầm trên bãi sỏi.

Nó vẫn luôn tự hỏi mình những câu hỏi nếu đó cho đến khi nó gặp chi. Lần đầu tiên nó đã biết say sóng là gì khi đi cùng chị trên cái thuyền thúng lắc lư. Nhưng kệ, lúc đó nó đang say một thứ khác mạnh hơn cả rượu, nỗi niềm mà chắc chỉ có Lý Bạch say trăng mới hiểu được. Lân la làm quen rồi nó cũng biết được chút đỉnh hoàn cảnh của chị. Chị là con của phố Núi, trong một lần đi chơi đảo, thuyền lật, chị cùng con gái được một anh ngư dân cãi mệnh trời, cứu chị giữa dòng nước xoáy. Chịu ơn cứu mạng, chị đã sống tận tụy không cần danh phận với anh và người mẹ già của anh từ đó. Hồi đó nghèo, nhưng người ta nhìn thấy chị cười nhiều hơn bây giờ. Bão ập đến cướp đi của người dân miền biển này nhiều tàu thuyền, nhà cửa, những người con của biển và hình ảnh của anh. Những ngày đầu, người ta nhìn thấy chị và con gái trong số các mẹ, các chị, các em nhỏ ngày ngày ngóng về phía biển mà nỗi hy vọng cứ ngày càng xa xăm.

Một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần, rồi một tháng, hai tháng. Thời gian đủ dài để làm lành vết thương của nhiều người, nhà cửa cũng được cất tạm bợ lên, tàu bè đóng vội để một lớp con của biển khác lại dong ra khơi nhặt nhạnh tiền trả nợ thì người ta vẫn thấy dáng chị, nắm chặt tay con, mắt vẫn xa xăm vô định. Nỗi đau chồng chất lên nỗi đau khi người ta cứ xầm xì về lời nguyền muôn thưở của dân làm nghề sông nước rằng "không được cướp cơm Hà Bá" và "cứu mạng phải đền mạng". Lạ cái nỗi đau đủ để làm nhiều người ngất lên xỉu xuống trên giường cũng không thể rặn ra khỏi chị một giọt nước mắt nào. Sau khi đắp vội cho anh cái mộ gió, chị lại lật đật kiếm đủ thứ chuyện làm để đắp đổi đồng ra đồng vào lo cho người mẹ đang dần suy sụp của anh.

Nó thích chị vì chị không giống bất cứ người con gái biển nào nó từng nhìn thấy. Đôi mắt sâu thẳm chứa ánh nhìn cứng cỏi của rừng núi, nước da đỏ hồng dù đã qua bao nhiêu ngày nắng làm chị nổi bật so với những cánh tay đen giòn khác.

Nhưng ở chị vẫn toát lên vẻ hiền hậu của một người con gái dù nó vẫn chưa hề nhìn thấy chị cười lần nào. Ẩn sau nét hiền hậu đó là đôi mắt thăm thẳm, nỗi buồn đó đã hút hồn nó, một đứa dù đã qua nhiều tuổi nhưng vẫn là một đứa con nít khi đứng trước sóng gió cuộc đời. Nỗi đau đó vừa cuốn hút nó, vừa thúc giục bản tính đàn ông trong nó dang tay che chở cho chị. Không biết nó yêu biển hơn vì có chị trong đó, hay nó thích chị vì chị là một phần của biển, của cái vùng đất sỏi đá 7 màu này. Rồi cũng tới cái ngày dưới ánh trăng già leo lét, nó được trò chuyện với chị sau khi đưa con gái chị về tận nhà "cho an tâm" (theo như lời nó nói lại với chị).

- Cảm ơn thầy
- Có gì đâu ... chị.

Ui, sao nó ngồi đây chỉ cách chị có nửa thước mà... Nó muốn rút cái khoảng cách diệu vợi đó làm sao. Như hiểu được cái gút trong lòng nó, chị mở lời trước:

- Không sao đâu thầy, thầy cứ gọi tôi bằng tên cũng được.
- À, ừm, chị... Nguyệt này, vậy ở đây lâu vậy Nguyệt có nhớ núi rừng không?

Sau phút ngập ngừng, nó vẫn kịp để ý cái nhìn của chị bỗng trở nên xa xăm, cái thở dài kịp nén lại của chị khi hai chữ núi rừng lần mò lại trong ký ức.

- Tại tui... tui vô ý quá... Cho tui xin lỗi nha Nguyệt

Vẫn im lặng. Nó nhóm người dậy, ậm ừ mở lời định ra về thì chị đã cất tiếng, khẽ khàng

- Không lúc nào là tôi ngừng nhớ cả. Nhớ lắm chứ nhưng riết rồi cũng phải quen thôi.
- Vậy giữa rừng núi và biển, Nguyệt thích cái nào hơn?

- Tôi yêu rừng. Cũng không biết vì sao nữa. Có lẽ ngay từ lúc sinh ra tôi đã được sống với cây cỏ sông suối. Tôi yêu màu xanh thẳm của rừng, yêu luôn cái huyền bí của nó. Nhưng mà, biển cũng đáng yêu lắm thầy ạ.

- Ừm, lâu lâu tui cũng hay đi rừng. Tui khoái leo núi lắm. Nhưng tui cũng yêu biển nữa. Nói ra Nguyệt đừng cười, có dạo tui còn suy nghĩ nếu mai mốt có con chắc sẽ đặt tên nó là Biển quá. Tui còn ước là mắt của con mình mang màu xanh của biển... Hì hì, giờ nghĩ lại cũng con nít thiệt...   

Một cơn gió biển lùa qua, khẽ rùng mình, nó vội cởi ngay chiếc áo khoác định đắp cho chị thì chị đã đưa tay lên cản

- Tôi quen rồi, cảm ơn thầy. Những người con của biển khi mất đi chắc cũng sẽ quẩn quanh biển thôi. Tôi nghĩ nếu anh ấy có ra đi cùng cơn bão, chắc anh ấy sẽ theo gió biển mà về với mẹ con tôi. Tối nào tôi cũng chờ anh ấy trong bộ bà ba anh tặng. 

- Vậy hồi ảnh đi lâu ... mà không thấy về, chắc ... Nguyệt khóc dữ lắm hả?
- Khóc mà làm gì hả thầy? Nước mắt của tôi chắc nó rút hết vào trong này rồi.

Chị xòe tay ra cho nó xem một nắm muối biển. Lần này nhanh trí hơn, nó liền bốc mấy hột bỏ vào miệng nhai rồi khen lấy khen để

- Hèn chi, muối mặn hơn bình thường hén Nguyệt. Hehe, muối ngon, muối ngon à nhen.

Câu chuyện đã kết thúc không đầu không đuôi trong im lặng như thế.

Nhưng có hề gì đâu, nó đã thoáng thấy đâu đó trong ánh mắt của chị khát khao hạnh phúc. Rồi nó lại tưởng tượng, chị giống Nguyệt trong "Mảnh trăng cuối rừng" nè và nó là Lãm. Nó năng đến nhà chị hơn, khi thì phụ chị gánh nước chẻ củi, khi thì lợp tạm lại cái mái nhà dột lỗ chỗ. Nó còn mang về trồng hoa hướng dương quanh nhà, như nhắc đến một loài hoa núi khác mà chị rất thích. Căn nhà thiếu vắng hơi đàn ông cũng trở nên tươi tắn hơn.

Còn nó thì thích quá đi chứ, cứ hễ khi rảnh thì nó lại cầm đàn nghêu ngao "...Hạnh phúc nơi đây, hôm nay tôi thấy. Là ngọc trong đá, là mật trong hoa..." Lâu lâu dù chỉ là lâu lâu, trong đầu nó lại loáng thoáng hình ảnh "ngôi nhà và những đứa trẻ" rồi nó lại cười một mình. Chỉ duy một điều nó còn lấn cấn là dù chị có nhìn tươi tắn hơn, dù con bé con nhà chị rất mết nó, cả con chó nhà chị cũng trở nên quấn quýt với nó hơn, nó vẫn chưa thấy chị cười trở lại. 

Bẵng đi một thời gian, nó cũng phải quay về khi bạn nó gọi về bàn bạc và triển khai cái dự án từ lâu mà nó ấp ủ. Lớp học tiếng Anh cũng đã ổn định với những bạn tình nguyện viên mới. Dù không nỡ xa chị, không dám nhìn thẳng vô cái ánh nhìn dầu dầu của chị lúc chia tay, nó phải tự nhủ là mình cũng phải ổn định để còn đỡ đần cho gia đình mình, rồi còn phải làm bờ vai vững chải để chị nương vào khi cần nữa chứ. Dù cho đến giờ này nó vẫn chưa thấy rõ ý đó ở chị.

Nó làm quần quật ngày đêm mà vẫn không nguôi được nỗi nhớ chị, nhớ biển đến cồn cào. Vài cuộc điện thoại thưa thớt không đủ làm nguôi nỗi nhớ đó. Nó ráng nén lại mà lao đầu vào công việc, để nhanh chóng ổn định mà quay về với ngôi nhà bé nhỏ, có giàn hướng dương vàng rượm, có cô bé con cười như mùa thu tỏa nắng, rực rỡ hơn cả hoa hướng dương, và có chị. Cho đến khi vài cuộc điện thoại không bắt, lòng nó mới nóng ran. Không nghĩ ngợi gì nhiều, nó bắt vội chuyến xe đi ngay trong đêm. Mà thiệt nó cũng không biết nghĩ gì, đầu óc nó cứ lùng bùng gạt tới bỏ lui với bao giả thuyết, cứ nổi lên rồi lại chìm trong giấc ngủ chập chờn.

Tin chị nhập viện như sét đánh ngang tai nó. Chưa kịp hỏi số phòng, nó đã tất tả phóng như bay về viện quân y. Trên đường đi nó chỉ nghe loáng thoáng câu chuyện từ chú hàng xóm. Rằng bà cụ ở nhà bỗng dưng phát mệt mỏi, hay hoa mắt chóng mặt không ăn uống được. Lúc đầu ở nhà cũng tưởng chỉ là bịnh người già, đến khi bà bỏ ăn nhiều ngày, chân tay phù nề và nước tiểu có máu thì mới dẫn bà đi khám. Suy giảm chức năng thận mãn tính. Cùng với lời phán đó là một án chết treo lơ lửng. Chỉ có ghép thận là còn nuôi tiếp hy vọng. Nghe đến đó, nó đã hình dung ra được hết câu chuyện.

Với bản tính cứng cõi và nhân hậu của chị, chắn chắn chị sẽ... Nhưng nó vẫn hy vọng ... biết đâu, biết đâu đó... ừa biết đâu được. Cái biết đâu đó chỉ bám víu nó đến giường bịnh của chị rồi tan tành như bọt bong bóng xà phòng. Chị nằm đó, xanh xao, leo lét như ngọn đèn trước gió.

- Cuối cùng thầy cũng đã đến... Tôi đợi mãi, chỉ sợ... không kịp...

Nó ngăn cho chị không nói hết lời. Cầm tay chị, nó muốn hỏi muốn hỏi chị tại sao chị lại quyết định như vậy, rồi chợt kiềm lại, cuối cùng chỉ thốt lên được

- Tại sao Nguyệt quyết định... đường đột vậy? ... Tại sao? Tại sao...? 

- Thân tôi cũng là do anh ấy cứu, bây giờ có trả lại cho nhà anh âu cũng là ý trời. Má là người thân duy nhất còn lại của anh ấy mà. Tôi vẫn thường mơ thấy anh về trong giấc mơ nắm tay tôi mà dặn dò chăm sóc cho bà và con bé. Cũng đến lúc rồi, cũng đến lúc rồi.

- Thế còn con bé... thế còn...?

Nói xong nó quay mặt giấu đi giọt nước mắt chực trào ra. Nó không muốn chị thấy nó yếu đuối mà mất hy vọng.

- Tôi muốn thầy chăm sóc con bé giùm tôi những ngày này. Nếu có gì xảy ra với tôi, thầy hãy gửi nó cùng bức thư này cho chú Bảy, chú sẽ biết sắp xếp... Còn... về chuyện... Tôi biết là thầy có tình cảm dành cho tôi... nhưng tôi chỉ sợ không thể đáp lại tình cảm đó lúc này... Tôi phải làm trọn đạo hiếu nghĩa trước...

Nó nuốt từng lời ngắt quãng của chị như muối xát vào lòng, mặn đắng cả họng. Chỉ đến khi nghe tiếng ho ngắt quãng của chị, nó mới giật mình

- Nguyệt nghỉ ngơi đi...
- Thầy có thể lấy cho tôi cái gương và lược đầu giường không?
- Ừa, sẵn để tui gọt trái cây cho Nguyệt luôn.
- Cảm ơn thầy.

Loay hoay một hồi nó cũng xong với mớ trái cây và bình hoa. Nó muốn căn phòng nhìn tươi tắn hơn, có phải để chị nhìn tươi tắn hơn, đầy hy vọng hơn hay không, nó cũng không biết nữa. Chỉ biết nó đã từng thấy nhiều hy vọng ở người con gái cứng cỏi như chị và nó không muốn chị mất nó trong hoàn cảnh này.

- Thầy, thầy thấy tui có xanh lắm không?
- Có chút chút, nhưng chị vẫn mặn mòi như mọi ngày mà. Chị chắc còn tươi hơn nếu chị ... cười được.
- Ở đâu có sự sống, ở đó có hy vọng phải không thầy?
- Ừa...

Nó muốn nói lời an ủi chị, mà sao cổ họng cứ đắng nghét. Mạch chuyện bỗng bị đứt quãng khi chị được các y tá dìu đi làm xét nghiệm. Trước khi đi, chị còn cố dúi vào tay nó một vật được gói ghém cẩn thận

- Thầy, tôi muốn thầy giữ cái này.

Và đó là hình ảnh cuối cùng nó nhìn thấy ở chị ngày hôm đó. Không, còn nữa. Lần đầu tiên hình như nó thấy... Nhưng mà sao nó vẫn cảm thấy tay chị và gói đồ ươn uớt. Chị khóc? Nó không biết mà cũng không thể biết được... Nó mở gói đồ ra xem... và thảng thốt. Nó cứ vừa nhìn tấm hình vừa rảo bước vô định. Chỉ thấy hình như chị nhắn cho nó một thông điệp hy vọng trong khi lẽ ra nó phải là người nói điều đó với chị. Chẳng biết nó đi bao lâu nữa, chỉ biết nó dừng lại ngồi phịch trên bãi cát và chìm vào suy nghĩ khi nghe mùi của biển.

Giữa bà má gia đình có ơn với mình và con gái mình, sao Nguyệt lại chọn cứu người má mà bỏ lại con bé bơ vơ? Liệu nó có là quyết định quá ích kỉ của Nguyệt chỉ để trả cho dứt nợ đời? Còn nó, nó thương chị, không muốn chị phải làm phẫu thuật đó? Rủi nó không thành công thì sao? Nhưng liệu nó có ích kỷ quá không khi chỉ muốn dành một Nguyệt khỏe mạnh, tươi tắn cho nó, mà không nghĩ giùm phần Nguyệt và gánh nặng của lời nguyền? Liệu sau phẫu thuật, Nguyệt sống sót và suy sụp thì nó có đủ can đảm để đón nhận Nguyệt. Và liệu nó có đủ can đảm dũng khí và quyết tâm đi cùng Nguyệt suốt chặng dốc dài? Liệu nó có vượt qua được sức ép cháu đích tôn của ba má nó khi sức khỏe Nguyệt không cho phép?

Nó nghĩ lung, lung lắm. Mà câu trả lời vẫn cứ lảng tránh nó. Chỉ biết là nó cảm thấy phải tỉnh táo cho những ngày sắp tới. Ngày sẽ còn dài, nhưng nếu chúng ta không ráng hết sức, thì về đêm chúng ta không thể nhìn thấy trăng đẹp được.  

 Đâu đó vẳng lại tiếng nhạc Skyfall ...


For this is the end
I've drowned and dreamt this moment
So overdue I owe them
Swept away, I'm stolen...

You may have my number, you can take my name
But you'll never have my heart ...

Where you go I go
What you see I see
I know I'd never be me
Without the security
Of your loving arms
Keeping me from harm
Put your hand in my hand
 And we'll stand

Tiếng nhạc của Adele cứ thổn thức làm nó thấy sóng mũi cay cay. Tự nhiên nó thấy vị mặn trên môi. Phải rồi, vị mặn của biển. Thì đúng rồi biển phải có vị mặn, giống như người ta sống mà không thể thiếu hy vọng vậy. Nhưng mà sao lần này biển lại mặn hơn, mặn chát.

Phải chăng biển ... cũng đang ... khóc như nó???

No comments:

Post a Comment