Tuesday, April 2, 2013

Người đàn bà thứ hai









 




Thế gian đã có chữ tình
Sao thêm chữ mất cho mình xa nhau
Nó là dân miền Tây rặc, từ cái tên Tèo nghe rất lúa cho đến nước da ngăm đen chua mùi phèn của nó. Rồi cái thằng Tèo gốc rơm gốc rạ cũng có dịp lội ra biển lớn. Lần này không như mấy lần trước má nó dẫn đi chơi đạp vịt. Cuối tuần. Lòng vòng Đầm Sen. Lần này là nửa vòng trái đất. Không có má. Bốn năm ròng. Bốn năm dài đủ để thằng Tèo từng trải không còn mắt tròn mắt dẹt trước cái vẻ hào nhoáng của Sài Gòn ngày nào nữa. Cái mùi nước hoa hiệu phèn chua cũng được thay thế bằng mùi Miller Harris hay Diesel. Thằng Tèo gốc lúa đã hóa kiếp thành Theo trên facebook.

Ấy vậy là Tèo, í lộn Theo, bị sốc văn hóa ngược mấy tháng đầu ở Sài Gòn. Vẫn còn càm ràm cái vụ xếp hàng siêu thị. Hay cằn nhằn vụ nó đi xe đạp mà không chỗ nào nhận giữ. Rồi cái vụ nó dừng xe đèn đỏ mém bị tông. Rồi đi xem kịch cũng đâu có yên. Lại nhăn mày nhíu mặt. Lại mắt tròn mắt dẹt. Nhưng bốn năm lại không đủ dài để lột xác nó thành một đứa thế hệ chuối (banana generation). Thỉnh thoảng nó vẫn ăn fast food và nhâm nhi ly cappuccino lúc làm việc. Chủ yếu vì sự tiện dụng. Hay có khi là thói quen. Hoặc có khi là cả hai. Nhưng nó vẫn chưa ưng được cái món làm bọn trẻ phát cuồng này. Nó vẫn ưa cái không khí cà phê bệt hay quán ăn cóc lề đường hơn. Dạng như nó người ta gọi là thế hệ lưng chừng. Nó thì tự gán nó là thế hệ mất mát (lost generation). Có sao đâu, nó vốn mê Hemmingway mà.


Rồi nó phát hiện ra thị. Hay nói đúng hơn là thị "nhặt" được nó trong một chuyến phượt bụi. Như kiểu nhặt bồ như nhặt một món đồ trong Vợ nhặt vậy. Nó biết chứ nhưng không lấy đó làm phiền. Sau nghe thị kể lại,
trong cái đám lưng chừng dở dở ương ương đó, thì nó là đứa "thiếu muối" nhất. Nhàn nhạt, lưng chừng, vừa phải. Nhưng lại mang đến cho thị cái mà thị cần lúc đó. Cảm giác an toàn. Sau những chống chếnh. Sau những đổ vỡ. Như con chim sợ cành cong.

Rồi thị và nó bám vào nhau như Jack và Rose cùng bám vào miếng ván lênh đênh trên biển. Say nhau như say thuốc phiện. Như kiểu cái duyên cái số nó vồ lẫn nhau. Hoặc không phải như vậy. Hay ít ra đó là cảm giác của nó. Nó và thị tìm thấy ở nhau cái mà mình thiếu. Hoặc cảm thấy thiêu thiếu. Và tìm cách lấp đầy vào khoảng trống đó. Ở nó, đó là thế giới ăn ngon mặc đẹp của tình thân gia đình nó đã rơi rớt đâu đó từ lúc về lại Sài Gòn. Ở thị, đó là cảm giác mới mẻ, là có được người em trai anh trai bạn trai trong ngôi nhà lâu không có đàn ông.

Quen thị ít lâu, nó bỗng thấy đúng là nó nhàn nhạt thật. Ổn định. Dễ đoán. Đến nhàm chán. Này nhé, giờ này nó đang ở đâu, ăn gì, uống gì, nghe gì, xem gì, đọc gì, tất cả đều có thể tra được trong cuốn Những điều bạn cần biết về Tèo. Xuất bản năm một ngàn chín trăm hồi đó. Hoặc là một giờ kê cà buôn gà bên ly cà phê với nó. Có những thói quen đúng là không bỏ được. Hay khó bỏ. Cũng vậy cả thôi. Cảm giác thiệt là an toàn. Nhưng giờ nó bỗng sợ cái an toàn đó. Sợ cảm giác hụt hẫng của người đọc sách khi đọc hết mấy trang đầu đã có thể đoán được cái kết. Nó cảm giác như thị đã đoán được cái kết của bộ phim thị đang xem. Cảm giác thiệt là phấn khích lúc đầu. Ừa, thằng này cuối phim sẽ chếtnè, rồi con này sẽ bỏ đi thương thằng khác. Sau đó là cảm giác buồn ngủ. Biết rồi thì còn gì để xem. Ngày nào đó, thị sẽ hô hoán lên, trời ơi tui chán quá, chiếu tui cái khác đi. Chỉ là không phải hôm nay. Có lẽ thị vẫn còn cảm giác phải lịch sự trong rạp. Chỉ là không biết đến bao lâu. Cảm giác thiệt là ... mất an toàn.

Ai đó đã nói phụ nữ chỉ thích anh tử tế, lên giường cùng gã thú vị, nhưng để yêu và cưới, họ cần sự cân bằng. Họ cần đàn ông có thể làm chọ họ cười bằng những câu chuyện mặn nhạt vừa phải của mình. Thì đúng rồi, khi họ cười họ cũng trở nên xinh đẹp rạng rỡ hơn. Họ cũng cần đàn ông làm cho họ cảm thấy bản thân mình tốt đẹp hơn. Đàn ông có thể liếc mắt nhìn phụ nữ khác nhưng vẫn phải làm cho họ cảm thấy mình là cả thế giới khi đi cùng. Túm lại đàn ông phải "ngoan". Và thú vị.

Nó thì đã tự xếp mình vào dạng trai ngoan lâu rồi. Tuy rong ruổi nhiều, va chạm cũng nhiều, nhưng nhìn chung vẫn là ngoan. Nó nghĩ lung lắm rồi quyết định lên kế hoạch để thành đàn ông hư. Hư hơn một chút. Mà thôi đã hư thì không cần kế hoạch. Nó tin rằng nhiều thứ trên đời cũng có được do hữu duyên nhiều hơn là do kế hoạch. Thị vẫn thường liệt nó vào loại khách hàng ít tiềm năng của thị, những gã cowboy phong trần kiểu Marlon Brando hay Clint Eastwood, những gã retrosexual. Nó lờ mờ nhận ra thị ngưỡng mộ những gã khách hàng nhãn metrosexual sở hữu tủ quần áo còn lớn hơn cái phòng tắm của nó và bộ tạp chí thời trang chồng chất còn nhiều hơn cái kệ sách của nó. Dù thị chưa bao giờ nói ra điều đó. Nó ăn mặc đơn giản, thoải mái đến lè phè. Nhưng nó thương thị hơn. Nó muốn thị vui. Nó muốn thấy cái viễn cảnh sống với nhau đến già cùng thị, bên ngôi nhà và những đứa trẻ. Thế là từng bộ đồ nhạt phong cách của nó lần lượt ra đi bằng cách này hay cách khác. Tủ quần áo của nó bắt đầu đa dạng, nhiều màu sắc, trẻ trung và có gu hơn. Nó cũng chăm chút lại bề ngoài của mình, từ bỏ hình ảnh chàng trai tóc ngố mà lâu nay nó vẫn coi là hiển nhiên.

Và khi tủ quần áo nó rộng hơn thì cũng là lúc kệ sách phải nép vào góc kho. Và quỹ thời gian của nó dành cho gia đình, bạn bè và công việc cũng từ đó mà hạn hẹp dần. Nhưng có sao đâu, nó thấy thị vui hơn, làm chừng đó thứ để thấy thị cười nhiều hơn cũng đáng. Ngày xưa để Bao Tự cười người ta còn mất nhiều thứ hơn nữa kìa. Những lúc thị vui, nó liền tranh thủ khơi gợi lại cơn nghiện xê dịch của thị bằng những chuyến đi như vẽ. Nó tiếp thêm cơn nghiện đó bằng mấy liều thuốc "Xách ba-lô lên và Đi", "Bánh mì thơm, cà phê đắng." Rồi thì chưa dừng ở đó, những lần thị và nó xuất hiện ở các hoạt động kịch nghệ phim ảnh cũng dày đặc hơn. Cũng như thị nó là con nghiện kịch chính hiệu. Những lần đó nó biết đã làm vơi đi phần nào nỗi nhớ Châu Âu bàng bạc của thị. Chính nó cũng thấy như sống lại chính những ngày Houston trong nó nữa mà. Nó còn vui hơn nữa khi thị bắt đầu tìm lại đam mê nấu ăn từ những ngày trời Âu. Hồi đó thị không có ai làm chuột bạch, giờ đã có nó đóng thế cái vai đó rồi.  Cũng chưa có con chuột bạch nào vui như nó, những nụ cười lại xuất hiện nhiều hơn trong những giấc mơ của nó. Và trong những giấc mơ đó, nó cũng âm mưu những điều lớn hơn.

Một trong những điều lớn hơn đó đến vào đúng sinh nhật thị. Một truyện ngắn viết về thị. Và một giải nho nhỏ của chuyện mục "Góc nhà bình yên" của một tờ báo cũng nho nhỏ. Thị cũng biết là nó hay viết lan man, thỉnh thoảng còn làm thơ nữa. Nhưng những bài viết ấy thường là buồn man mác. Nhưng không phải truyện ngắn này. Tuy câu chữ vẫn là giọng văn ấy, nhưng lại đúng như con người nó, hay ít ra cũng là bề ngoài của nó, một gã thoáng đãng si tình và biết cách hái những nụ cười trên môi thị. Ngay cả thị cũng hỏi nó sao khác quá. Nó chỉ cười, "Ừa, khác là tốt, là được đúng hông em?" Thị liền nguýt nó. Từ lúc nào hổng hay, nó đã nhiễm cái tật trả lời bằng một câu hỏi của thị. 

Buổi tối gần cái ngày nó hẹn chở thị đi lãnh giải, lúc đang ăn cơm, nó giật mình khi má nó hỏi:
- Mai con có đi đâu không?
- À, con kẹt rồi.  
Nó nói nửa ngập ngừng vì cũng không muốn lở ra chuyện nó đoạt giải. Nó chưa muốn cho nhà biết. Ít nhất là không phải lúc này.
- Vậy ăn xong con chỉ má đường đi đến chỗ này bằng xe buýt nhe.
- Có bản đồ mấy tuyến xe buýt mà má. Má chịu khó coi trong đó cũng ra mà. Con có mấy khi đi xe buýt đâu.

Nói xong, nó cũng lua qua quýt chén cơm rồi lật đật lên phòng. Nó sợ ngồi thêm một lúc sẽ lòi ra những chuyện mà nó muốn giấu.

Tờ mờ sáng hôm sau, nó tất tả dắt xe ra khỏi nhà sớm để tránh gặp má nó cũng đi tập thể dục buổi sớm. Chờ một lúc trong cái hội trường lố nhố người, rồi cũng đến lúc nó nhận giải và phát biểu vài câu. Mặc dù dượt sẵn với thị vài câu ở nhà, đại khái là, "cảm ơn quý báo, cảm ơn các bạn đọc, cảm ơn gia đình, và cảm ơn người tôi yêu thương nhất đã cho tôi cơ hội và cảm hứng để viết truyện này...," nó vẫn thấy run. Nó liếc nhìn thị lúc này mắt đang tươi cười như em bé Liên Xô rồi lướt nhìn đám đông lần nữa như tìm sự khích lệ trong đó. Rồi nó lướt nhìn đám đông lần nữa, hình như nó nhìn thấy một dáng hình rất quen. Hình như là... Nó chỉ kịp trấn tĩnh để ấp úng vài lời rồi nó về chỗ và kéo thị về trong ánh mắt ngỡ ngàng.

Mất cả tuần xin lỗi ỉ ôi, nó mới làm cho thị nguôi ngoai mà không vặn vẹo thêm về cái sự bất thường của nó. Nó không giải thích cho thị, mà cũng không biết giải thích thế nào với thị. Mấy lần thị và má nó gặp mặt, nó cảm giác đâu đó vẫn còn khoảng cách giữa hai người phụ nữ này. Nó cũng đã kể cho thị nghe về bịnh sử của má nó. Thì thị có gật gù đó, nhưng sao nó vẫn thấy bất an. Nó không muốn thị chụp cho nó cái nhãn "mama's boy" (con trai rượu của má).

Vậy là dù nó biết là không phải nhưng từ đó trong những câu chuyện của hai người, nó ít nhắc đến má nó hơn. Nó tự an ủi mình bằng câu, "ừa thì lớn rồi mình cũng phải có cuộc sống của riêng mình chứ, và vợ là người mà mình sẽ chia sẻ phần đời còn lại mà."
  
Qua lần giận nhau đó, thị và nó rồi cũng làm lành, sống tiếp qua những ngày nắng và mưa. Chỉ có nó là cảm thấy có gì đó gờn gợn trong lòng. Và nó quyết phải gỡ cái gút, rút cái dầm ra cho xong. Cái cơ hội "cho xong" rồi cũng đến trong một chuyến phượt. Đoạn đường về nhà, cảnh hai bên đường thì như tranh vẽ, bình thường thì nó và thị đã tám dữ lắm, đằng này... Mấy lần nó cũng mở miệng mà đáp lại chỉ là tiếng thị ậm ừ. Nó nghĩ chắc thị mệt. Vậy là nó cứ láo liên nhìn qua lại bên đường tìm chỗ nghỉ chân... để nó hỏi han và an ủi thị vì chuyến đi không như ý. Trước khi nó kịp nhìn thấy dưới chân cầu, thì ... rầm, nó và thị đã nằm trên đống đá. Thấy cái chân có vẻ không ổn, nó cũng ráng gượng dậy hỏi han và trấn an thị. Nó nằm xuống, móc điện thoại gọi cho đám bạn chạy trước, chờ tụi nó rồi... ngất đi hồi nào không hay.

Lúc tỉnh dậy, nó đã thấy một màu trắng toát ngay chân nó và chung quanh. Và cả một dáng hình rất quen. Nhổm mình dậy nó quờ quạng kiếm cái điện thoại thì cái người rất quen đó như đoán được ý nó nói liền:

- Con nằm nghỉ đi, bạn con chỉ bị xay xát ngoài da thôi... không có gì nghiêm trọng hết.

Phải rồi cái dáng hình rất quen kế bên nó, là người đã quen nó từ lúc nó ra đời đến giờ, cũng là cái dáng hình quen lấp ló mà nó thấy ở hội trường hôm nào. Má nó chỉ muốn ngắm nhìn cái gương mặt rạng rỡ đó. Như cái hồi nó tốt nghiệp, má nó cũng đứng bên nó nhìn nó cười rạng rỡ, rồi sau đó khoe khắp mọi người "ừa con tui nó tốt nghiệp cao học rồi đó nhe anh, nhe chị, nhe chú, nhe thím." Còn nó, nó không muốn nó và mọi người nhìn thấy cái nghễnh ngảng, cái run rẩy, cái thần bất ổn của má nó. Thành ra cái dáng quen vẫn cứ lấp ló đằng sau cái nón lá, tuốt sau hậu trường. Để nó vờ như không thấy. Để thị không nhìn thấy. Và để mọi người nghĩ là đó chỉ là một ai đó rất bình thường. Má nó là người thầy đầu tiên của nó. Nhưng vẫn luôn xếp thứ hai trong cuộc đời nó. Sau thị. Mà nếu không phải thị thì cũng là một người đàn bà khác. Nó chợt nhớ đến ý nghĩa của câu chuyện luân hồi về tình mẫu tử, tự hỏi nếu má nó luôn là người đàn bà thứ hai thì sau này con nó sẽ xem nó như thế nào? Và thị cũng sẽ là người thứ mấy trong cuộc đời của những đứa con thị?  

Nó khẽ quay đầu qua thì thấy má nó đang ngủ gục trên chiếc ghế cạnh giường. Lần đầu tiên nó được nhìn má gần gũi đến vậy. Nó nắm lấy bàn tay má. Tự hỏi liệu nó có nắm được đôi bàn tay này đến cuối cuộc đời được không? Bỗng nhiên nó lại thèm làm lại đứa con trai ngoan. Để được thèm những món ăn "tạm được" của má. Để được nói câu xin lỗi của nó, "Má, con thèm lẩu mắm" và để được nghe má cười xòa rồi xoa đầu, "Ừa, tổ cha bây." Ừa, nếu có cái lẩu mắm, cái nắm tay đó sẽ rất lâu. Cái lẩu mắm chính là chiếc vé về lại tuổi thơ của nó. Nhưng còn thị và bịnh dị ứng với lẩu mắm của thị thì sao? Nó cũng không biết nữa. Nó nhắm mắt lại thì nghe đâu đó văng vẳng giọng trong trẻo của Lê Cát Trọng Lý...

Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang
Vài người ôm giấc mơ bình yên
Em cần an chúc
Em cần yêu thương...

Chờ tình yêu giống như còn thơ
Em lòng khao khát nơi về nương náu 

Ừ, lúc này nó chỉ muốn được sống vô tư cho ngày tiếp theo. Còn chuyện cái lẩu mắm và thị thì cứ ... để mơi tính.

***************************
Tại thời điểm tôi viết câu chuyện này, nó và thị vẫn trải qua những ngày mưa gió, nhưng tôi sẽ không vì đó mà suy diễn cái kết của câu chuyện, thay vì đó tôi sẽ để các bạn chọn cái kết của riêng bạn.

Kết thứ nhất:

Đa số các bạn đọc sẽ cho nó và thị chia tay. Vì nhiều lẽ. Thứ nhất, thời nó quen thị, ngày mưa nhiều hơn ngày nắng. Thực ra thì trước tai nạn, tình cảm đó đã chết lâm sàng rồi. Thứ hai, quan hệ của hai người phụ nữ, xếp ai trước ai sau cũng sẽ là một câu hỏi lớn không lời đáp, đau đầu không phải với nó và nhiều người khác. Thứ ba, quan hệ của cái lẩu mắm và thị thì sao? Nếu cứ mải theo lẩu mắm về tuổi thơ mà bỏ quên thị và hiện tại thì sớm muộn cũng...
Tôi nghĩ đây là cái kết sẽ nhận được nhiều like và comment nhất của bạn đọc. Vì rồi Rose cũng sẽ buông Jack ra như cái kết chuyện Titanic thôi. Hắn và thị sẽ mãi là hai đường thẳng song song. Nhưng cái kết buồn quá. Và dù không tin lắm vào chuyện cổ tích, tôi vẫn tin rằng chuyện của hai người có thể kết thúc tốt đẹp hơn.

Kết thứ hai:

Tình yêu sẽ dung hòa quan hệ của thị và má nó, trở nên bao dung và đồng cảm hơn. Trước kia thị cũng từng khó chịu với má thị mà, vậy thì có thêm một người má khác là nhận thêm tình thương, chứ đâu mất mát gì. Còn chuyện người thứ nhất và thứ hai, thì chỉ cần nó khéo léo, khi ở bên người nào, sẽ nâng niu, chăm sóc như người đó là riêng, là duy nhất. Còn khi hai người ở cạnh nhau thì... thì sao nhỉ? Ừa còn tía lo cho má đó chi. Còn chuyện lẩu mắm và thị? Chậc, thì nó sẽ chịu khó, khi nào bên thị thì sẽ không lén phén với lẩu mắm. Còn đã có lẩu mắm thì tránh xa thị ra một chút.

Cổ tích quá? Thời này làm gì có. Nhưng bạn cứ nghe "Love will make us alive" đi.        
Mọi thứ đều có thể trong chiến tranh và tình yêu mà...

Kết thứ ba:

Dù rất tin vào cái kết thứ nhất và thích cái kết thứ hai, tôi vẫn nghĩ có lẽ sẽ có một giải pháp trung dung. Vì vậy mà có cái kết này.

Nó và thị sẽ duy trì cái tình cảm chết lâm sàn đó. Nó sẽ vẫn là người hòa giải giữa thị và má. Và thị và lẩu mắm. Vì rằng chia tay là đau đớn lắm. Mà thị thì vẫn cần miếng ván an toàn đó. Còn nó dĩ nhiên thị vẫn là người thứ nhất. Đến khi nào? Đến khi có một người thế vào vị trí của thị. Mà người lại ghiền lẩu mắm. Mà đã ghiền lẩu mắm thì không lý gì lại không ưa hay gây hấn với người nấu lẩu mắm là má nó. Hoặc đến khi thị tìm được một miếng ván an toàn khác, người cũng ghét cay đắng lẩu mắm như thị. Một người con xa quê đến nỗi cái viễn cảnh má chồng nàng dâu gần nhau là không có. Đến lúc đó tổng thương tích của cuộc chia tay là nhỏ nhất vì sự đau khổ của người này sẽ được bù đắp bởi hạnh phúc của người khác. Hoặc giả sẽ là niềm vui nhân đôi khi cả hai đều tìm được một nửa của mình cùng lúc. Và họ sẽ trở thành best friend forever ever after. 

Dù giải pháp nghe có vẻ khiên cưỡng, tôi vẫn vote cho giải pháp này vì tính trung dung của nó, vừa có tính thực tế vừa không quá tàn nhẫn. Hãy cứ hy vọng thế. Vì đời sẽ là gì nếu thiếu hy vọng.

Còn bạn thì sao?

No comments:

Post a Comment